Ngày nay, nhu cầu ẩm thực của những thực khách Hà Thành ngày càng đa dạng và đặc biệt gần gũi với thiên nhiên hơn. Nhà hàng dân tộc với những đặc sản núi rừng được mở ra ngày càng nhiều. Mỗi quán lại chuyên về một loại đặc sản riêng, đặc biệt không thể không kể đến món lợn mán, ăn cùng đặc sản rau rừng thơm ngon, bổ dưỡng.
Lợn mán là lợn gì? Đây là loại lợn được người Mường nuôi tại các buôn làng nhằm tạo nguồn lương thực hàng ngày. Với điều kiện sống trên núi đồi, chăn thả tự nhiên, thức ăn chủ yếu là cây cỏ, gạo, ngô, …, chứ không phải loại thức ăn công nghiệp nên thịt lợn mán thường nhiều nạc, dai giòn, ít mỡ và đặc biệt thơm ngon hơn lợn nuôi bình thường.
Nhiều thực khách thắc mắc, thịt lợn mán làm món gì ngon? Xin thưa, lợn mán có thể làm rất nhiều món từ hấp, nướng, xào lăn, quay… xương lợn dùng để ninh canh măng ăn rất ngọt nước.
Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn lợn mán các món đơn giản, dễ làm, mùi vị thơm ngon, rất thích hợp cho bữa cơm hàng ngày hoặc những buổi tụ tập, liên hoan cùng bạn bè.
1, Lợn Mán Hấp Sả
- Nguyên liệu:
Thịt lợn mán ( lấy phần vai hoặc mông vì thịt ở đây sẽ rất mềm và ngon)
Gia vị: dầu hào, nước dừa tươi (hoặc nước cốt dừa ), hạt nêm, ớt, sả, hạt dổi, rau mùi, rau húng đỏ.
- Cách chế biến:
- Thịt lợn mán rửa sạch sau đó ướp cùng với các nguyên liệu hạt nêm, dầu hào, hạt dổi và sả băm nhỏ trong khoảng 20 - 30 phút.
- Cho thịt ra đĩa, để nguội rồi thái miếng vừa ăn. Trang trí đĩa thịt với rau húng, rau mùi và ớt tỉa.
- Thịt lợn mán hấp sả thường chấm với muối trắng hạt dổi hoặc chấm cùng tương bần tùy khẩu vị mỗi thực khách.
2, Lợn Mán Nướng Riềng Mẻ
- Nguyên liệu:
Thịt lợn rừng (ba chỉ) : 0,5 kg – dành cho 4 người ăn.
Riềng, sả, mẻ, mắm tôm, mật ong, nước mắm, dầu ăn, lá móc mật.
- Cách chế biến:
- Thịt Lợn rừng thái miếng vuông 2x2cm2. Riềng xay, sả băm nhỏ.
- Ướp thịt với nước riềng, sả, mắm tôm, mẻ, mật ong, nước mắm,dầu ăn, lá móc mật trong khoảng 40 – 50 phút để gia vị ngấm vào thịt.
- Xếp thịt vào vỉ nướng trên than hoa, vừa nướng vừa tưới dầu ăn hoặc mỡ cho thịt đỡ khô. Sau khi nướng thấy miếng thịt vàng, xém cạnh là thịt đã chín tới.
- Thịt lợn mán nướng thường ăn với xì dầu tỏi ớt hoặc tương bần tùy vào khẩu vị của mỗi thực khách.
3, Lợn Mán Quay
- Nguyên liệu:
Thịt lợn mán.
Gia vị: lá móc mật, muối tinh, hạt tiêu.
- Cách chế biến:
- - Lợn mán để nguyên con hoặc thái tảng, sau đó xát muối và hạt tiêu đều khắp.
- - Lá móc mật rửa sạch, để nguyên lá rồi xát vào thịt cho ngấm đều.
- - Dùng hỗn hợp mật ong + giấm quết đều lên da lợn để da có màu vàng bóng mượt, rồi đem quay trên bếp than hồng.
- - Đến khi thịt vàng đều, chọc đũa không thấy ra nước đỏ là đã chín.
- - Lợn mán quay thường dùng với tương bần, xì dầu tùy vào khẩu vị và đặc biệt nên ăn với dưa chua để không bị ngấy.
4, Dồi Lợn Mán Nướng
- Nguyên liệu:
Ruột non, phổi, tiết, mỡ lá, đậu xanh 200g, nước mắm 20ml, Mẻ 50g, riềng 100g, hành hoa 200g, lạc nhân 200g, hành khô 50g, mắm tôm 50g, rau húng chó, lá ớt.
- Cách chế biến:
- Riềng gọt vỏ, giã nhỏ vắt lấy nước. Mẻ, mắm tôm nghiền nhỏ, vắt lấy nước. Lạc rang bỏ vỏ, giã nhỏ. Đậu xanh ngâm nước, bỏ vỏ giã nhỏ. Các loại rau làm sạch, để ráo nước, băm nhỏ. Hành khô bóc vỏ băm nhỏ. Phổi mỡ băm nhỏ ướp nước riềng, mẻ mắm tôm, tiết loãng, trộn đều cùng các thứ rau, đỗ xanh, lạc rang để ngấm.
- Ruột non làm sạch buộc hai đầu lại, rồi nhồi hỗn hợp trên vào, buộc kỹ rồi cho vào nồi xáo luộc chín (quá trình luộc không tiêm vào dồi vì sẽ làm mất hết nước ngọt) vớt ra để ráo nước.
- Mỡ lá rán lấy nước. Cuốn dồi vào ống tre to, nướng trên bếp than hoa đã quạt hồng. Trong quá trình nướng lấy lông gà sạch quét mỡ vào dồi. Khi dồi vàng đều lấy ra để nguội, thái miếng bày vào đĩa.
- Dồi lợn mán nướng ăn kèm với bánh đa nướng, riềng lát mỏng, các loại rau thơm chấm mắm ớt.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét